07 janvier 2017

'Bộ sậu' của Trump và ảnh hưởng tới Việt Nam



Donald Trump

Các nhà báo từ châu Âu cho rằng, việc ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Hoa Kỳ sẽ có ảnh hưởng trực tiếp tới những gì sẽ diễn ra sắp tới ở Việt Nam
.
Nhà báo Nguyễn Giang, BBC Thế giới vụ nhận xét, việc ông Trump ngay lập tức tuyên bố xóa bỏ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) khiến phía Việt Nam "ngay lập tức đã phải có những động tác chuyển hướng".
Phân tích sâu hơn, nhà báo Mạc Việt Hồng từ Ba Lan cho rằng, động thái này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới kinh tế Việt Nam những năm tới, và "những cố gắng về ngoại giao của Việt Nam trong suốt những năm vừa rồi, mà đỉnh cao của nó là chuyến thăm của ông Obama tới Việt Nam, không còn ý nghĩa gì nhiều nữa".
"Trong những năm vừa rồi Việt Nam đã có rất nhiều cố gắng, kể cả là việc phóng thích một loạt nhà hoạt động dân chủ để đổi lấy TPP, rồi những cố gắng ngoại giao để ông Nguyễn Phú Trọng được đặt chân đến Nhà Trắng gặp ông Obama thì Việt Nam coi đó là thành tích về ngoại giao.
"Nhưng tôi nghĩ rằng với sự thắng cử của Trump, Việt Nam sẽ phải đối diện với thử thách mới là đàm phán song phương với Mỹ và sẽ phải điều chỉnh chính sách nhất định về ngoại giao và kinh tế," chủ bút trang Đàn Chim Việt nói từ Warsaw.
Chia sẻ quan điểm về việc Việt Nam cần thay đổi trong những năm tới, nhà báo Nguyễn Giang bổ sung thêm, rằng những nỗ lực của chính phủ và Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian qua với Hoa Kỳ "chỉ có tác động với ông Obama mà thôi", và "với một nhân vật mới như Donald Trump thì đây là bài toán rất mới".
"Trong thời gian qua ông Trump đã dùng Twitter và khiêu khích Trung Quốc rất nhiều. Nhiều đồng nghiệp người Trung Quốc của tôi tỏ ra sững sờ khi Mỹ có tác động như vậy đối với Trung Quốc. Nếu Việt Nam tìm được chỗ đứng nào đấy trong bối cảnh Việt - Mỹ - Trung này và có thể là cả Nhật và Úc nữa, thì có thể có cơ hội cho Việt Nam.
'Hết vốn đàm phán'?
Ở mảng nhân quyền, dân chủ, nhà báo Mạc Việt Hồng nhắc tới vụ bắt bớ bà Cấn Thị Thêu và blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, cũng như bản án 25 năm tù cho nhà hoạt động Trần Anh Kim và Lê Thanh Tùng trong năm 2016.
Nữ nhà báo đặt câu hỏi, rằng liệu một trong những nguyên do của việc bắt bớ này có phải do Việt Nam "đã hết vốn đàm phán quốc tế"?

Barack Obama

Những nỗ lực của Việt Nam với Hoa Kỳ ở nhiệm kỳ ông Obama sẽ không tác động nhiều tới tân Tổng thống Hoa Kỳ?

Tuy nhiên nhà báo Nguyễn Giang cho rằng, với cách chọn lãnh đạo của ông Donald Trump, vấn đề nhân quyền ở Việt Nam hay Trung Quốc được dự đoán là "không được đề cao như trước".
"Xin nhắc rằng ông ấy là một tỷ phú doanh nhân, nội các của ông ấy toàn triệu phú tỷ phú, những người có tư tưởng thiên hữu, tức là hơi dân tộc chủ nghĩa, bảo vệ quyền lợi của nước Mỹ trên hết.
"Họ là những người không quan tâm đến những vấn đề mà phe theo hướng dân chủ, tự do của Hoa Kỳ như nhiệm kỳ của ông Obama hay bà Hillary Clinton quan tâm đến.
"Ông Trump có thể nói là rất thân với điện Kremlin, coi ông Putin như người có thể nói chuyện được, rất thoải mái... Xu hướng này cho thấy rằng họ là những người rất thực dụng về mặt chính trị, thì tôi không rõ bức tranh nhân quyền không chỉ ở Việt Nam mà là châu Á nói chung sẽ nằm ở đâu trong chính sách của Hoa Kỳ, mà có lẽ phải đợi ông Trump và tân ngoại trưởng đưa ra trong 100 ngày đầu nhậm chức," theo nhà báo từ BBC Thế giới vụ.

'Quyền lợi quốc gia'



Chiến đấu cơ J-15
Tàu Liêu Ninh của Trung Quốc mang theo chiến đấu cơ J-15 đời mới đã tập trận ở Biển Đông ngay đầu năm 2017 - AFP/GETTY IMAGE

Trả lời câu hỏi của BBC Tiếng Việt về việc liệu Việt Nam có 'cô đơn' trong vấn đề Biển Đông với những thay đổi trên chính trường thế giới gần đây, người quan sát quan hệ quốc tế huy Bùi nhận xét, đây là bài toán 'khó giải' và có lẽ từ 'cô đơn' chỉ đúng trên một khía cạnh nhất định.
"Chúng ta phải xác định là trong quan hệ quốc tế mà cái gì có lợi cho quốc gia thì người ta vẫn phải bám lấy cái đó.
"Nếu quyền lợi đó và quyền lợi của nước liên quan trực tiếp đến chúng ta mà hai bên cùng có lợi thì vấn đề sẽ được giải quyết rất dễ dàng. Tuy nhiên vấn đề Biển Đông liên quan đến nhiều nước rất khác nhau nên mọi người mong muốn tất cả các nước sẵn sàng ngồi lại với nhau - mà theo tôi là lý tưởng nhất, nhưng điều đó rất khó.
"Vì khi động đến quyền lợi, tranh giành quyền lợi thì nước này sẽ muốn nhiều hơn nước kia và làm sao để đạt sự đồng thuận? Đây là điều rất nan giải, trong khi giữa hai nước với nhau, sự nhượng bộ sẽ dễ dàng hơn," phóng viên từ London nhận xét.
Xem toàn bộ thảo luận qua video chất lượng cao tại: https://www.youtube.com/watch?v=c_9HonF2bW4





Nguồn : BBC