07 février 2017

Người siêu giàu Việt Nam tăng nhanh: Băn khoăn tiền tham nhũng?


Rất nhiều người giàu ở Việt Nam không phải từ sản xuất kinh doanh mà tiền đó từ tham nhũng, tiền trốn thuế và những hoạt động bất hợp pháp.
Đó là khẳng định của TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế với Đất Việt xung quanh thông tin người siêu giàu Việt Nam tăng nhanh trong khi mức sống của người nghèo đang ở mức báo động.


TS Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra nhiều hệ lụy xung quanh việc khoảng cách giàu nghèo ở Việt Nam đang tăng nhanh



PV: - Mới đây, tổ chức Oxfram đã công bố thông tin, thu nhập một năm của nhóm 210 người siêu giàu ở Việt Nam dư sức để đưa 3,2 triệu người thoát nghèo, chấm dứt nghèo cùng cực trên cả nước. Theo Báo cáo Thịnh vượng 2016 (Wealth Report) vừa được công bố năm 2015, Việt Nam có 168 người siêu giàu (sở hữu từ 30 triệu USD trở lên), tăng 12 người so với năm trước đó. Trong một thập kỷ tới, Việt Nam cũng được dự báo là quốc gia có tốc độ tăng người siêu giàu nhanh nhất thế giới với 140%, lên 403 người.
Ông bình luận như thế nào về tốc độ tăng trưởng người giàu chóng mặt của Việt Nam? Theo ông đây là có phải là tín hiệu tốt hay không và vì sao?

TS Nguyễn Trí Hiếu: - Tôi không quá ngạc nhiên hay bất ngờ trước thông tin trên. Rõ ràng năm vừa qua, sự phân biệt giàu nghèo ngày càng lớn ở Việt Nam. Có lẽ không cần phải nhìn vào con số thống kê mà chỉ cần nhìn vào đường phố tại những thành phố lớn khi số lượng ô tô ngày càng nhiều hơn, trong đó có những loại xe rất đắt tiền.
Trong khi đó thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện nay chỉ trên 2.000 USD/năm  lại càng thấy mức độ chênh lệch giàu nghèo rõ nét và ngày càng lớn. Đặc biệt những người giàu có thể hiện qua việc mua các bất động sản cao cấp, sử dụng các phương tiện đời sống rất đắt tiền như xe ô tô, căn hộ cao cấp, những nhà hàng sang trọng.  Vì vậy những thông tin trên chỉ xác nhận lại thôi vì việc này ai cũng biết rồi.
Sự phân hóa giàu nghèo ở Việt Nam trong 20 năm qua đang càng có chiều hướng xấu hơn. Việc này cũng có 2 mặt rõ ràng, vừa tích cực vừa tiêu cực.
Thứ nhất, về mặt tích cực, những người giàu có ở đây là những người có cơ sở kinh doanh sản xuất lớn và từ đó có thể tạo ra một lực lượng lao động, cung cấp công ăn việc làm cho rất niều người và đóng góp một tỷ trọng lớn trong phát triển GDP của Việt Nam.
Ngoài những đóng góp tích cực, việc phân hóa giàu nghèo thường kéo theo rất nhiều hiện tượng tiêu cực. Chúng ta thấy ở trong diễn đàn Davos, hiện tượng 8 người giàu có nhất thế giới chiếm tài sản của 3,6 tỷ người trên thế giới được đánh giá là tiêu cực. Sự phân hóa giàu nghèo quá lớn và rõ ràng trong năm 2016, chủ nghĩa dân túy càng ngày càng mạnh hơn ở châu Âu từ Brexit cho đến tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump. Nó cho thấy dân bất mãn về việc những phúc lợi xã hội, sự phát triển kinh tế có lợi cho chế độ cầm quyền hơn là cho người dân.
Trong điều kiện đất nước phát triển còn thấp như ở Việt Nam thì việc có hơn 200 người giàu có một tài sản lớn để giúp 3,2 triệu người thoát nghèo là sự phân hóa mang nhiều ý nghĩa tiêu cực.

PV: Tuy nhiên, dư luận không khỏi thắc mắc, trong khi nợ công tăng nhanh gần sát ngưỡng, tăng trưởng GDP thì chững lại, người Việt siêu giàu lại tăng nhanh. Thực tế này có biểu hiện mâu thuẫn gì hay không, thưa ông? Thưa ông, nếu vậy, nguyên nhân sâu xa của việc những người giàu Việt Nam đang tăng nhanh phải được hiểu như thế nào?
TS Nguyễn Trí Hiếu: - Đây là một hiện tượng rất đáng quan tâm khi nợ công Việt Nam tăng cao, GDP đang có dấu hiệu chững lại mà người Việt siêu giàu lại tăng nhanh.
Trong 4 năm 2010, 2013, 2014, 2015, tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nào cũng cao hơn năm trước. Cho đến năm 2016, GDP đã chững lại ở mức 6,21%, chứng tỏ tăng trưởng đã thụt giảm.  Điều này có nghĩa là vấn đề nợ quốc gia của Việt Nam không đem lại hiệu quả kinh tế mà chúng ta mong muốn.
Việc đó có thể bắt nguồn từ sự tham nhũng, hối lộ, gây ra chi phí thường xuyên cho quốc gia cũng như chi phí đầu tư. Không loại trừ yếu tố tham nhũng đóng góp vào việc GDP không tăng trưởng. Còn chuyện nợ công tăng nhanh, dĩ nhiên cũng như nguyên tắc bảo toàn năng lượng, tiền không đi đâu cả mà có thể tiền vào tay một ai đó.
Trở lại với việc người giàu tăng nhanh, nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại có sự mâu thuẫn như vậy trong nền kinh tế. Trên thực tế rất nhiều người giàu không phải từ sản xuất kinh doanh mà tiền đó từ tham nhũng, tiền trốn thuế và những hoạt động bất hợp pháp. Những trường hợp này không đóng góp gì cho phát triển của đất nước mà ngược lại gây cản trở nền kinh tế.
Tôi được biết, có biết 1 số doanh nhân ăn nên làm ra do thực lực của họ. Tuy nhiên nhiều người vẫn dựa vào các mối quan hệ để làm giàu nhanh chóng. Và ngay cả những người có thực lực cũng dựa ra rất nhiều thế lực của xã hội chứ không chỉ có việc kinh doanh. Bởi lẽ ở Việt Nam chúng ta chưa có một nền kinh tế thị trường thực sự, do vậy các doanh nghiệp đều dựa rất nhiều vào yếu tố quan hệ. Những người thành công hiện nay cũng đều dựa vào quan hệ sau đó dùng sức lao động và sáng tạo của họ.
Trong khi ở những thị trường cạnh tranh, thực sự đúng nghĩa là nền kinh tế thị trường thì sự cạnh tranh rất ác liệt. Những người thành công đều dựa vào sức lao động của mình chứ không thể trông chờ vào sự giúp đỡ của ai đó