08 juin 2017

Kiểm tra tài sản 1.000 cán bộ cao cấp, đừng chỉ làm cho xong chuyện


THỤY DU











Ngăn chặn suy thoái, tham nhũng có thể xảy ra


Đánh giá về quy định số 85 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban bí thư quản lý, hôm 7/6, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Phan Xuân Xiểm - nguyên hàm Vụ trưởng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho rằng, đây là việc làm cần thiết nhằm ngăn chặn những biểu hiện suy thoái, tham nhũng của cán bộ.

Bộ Chính trị vừa ban hành quy định về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với đối tượng là cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Theo đó, có khoảng 1.000 cán bộ nằm trong quy định kiểm tra, giám sát của Bộ Chính trị.

"Quy định mới sẽ giúp cho công tác quản lý đảng viên của chúng ta chặt chẽ hơn.

Chống những biểu hiện tiêu cực, suy thoái, tham nhũng có thể xảy ra.

Quy định này cũng là chế tài mạnh mẽ, ràng buộc những người thuộc diện kiểm tra, giám sát tài sản phải gương mẫu, chấp hành các quy định của Đảng, nhà nước trong việc kê khai tài sản.

Muốn làm tốt điều này, trước hết phải tăng cường giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ ở chi bộ, nơi đảng viên đó sinh hoạt", Luật sư Phan Xuân Xiểm nhận định.



Luật sư Phan Xuân Xiểm, nguyên hàm Vụ trưởng, công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương (ảnh Bạch Đằng/giaoduc.net.vn).



Với kinh nghiệm công tác lâu năm tại Ủy ban kiểm tra Trung ương, Luật sư Xiểm lưu ý:

"Việc kiểm tra tài sản cán bộ phải được thực hiện theo quy trình chặt chẽ, bởi nó liên quan tới sinh mệnh chính trị, uy tín cán bộ, danh dự con người, cho nên không thể làm tùy tiện, vô căn cứ".


Về việc tổ chức thực hiện quy định 85 nói trên, Luật sư Xiểm cho rằng, cần đặc biệt chú ý tới những cơ quan, tổ chức "nhạy cảm", những nơi dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

"Cơ quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phải xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể.

Việc kiểm tra, giám sát theo quy định 85 không thể thực hiện cùng một lúc cả nghìn cán bộ. Việc này phải phân ra từng giai đoạn cụ thể, rõ ràng.

Nên tập trung những nơi "nhạy cảm", dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng để giám sát, kiểm tra có hiệu quả hơn.

Trong quá trình kiểm tra thông tin, nắm tình hình, thu thập chứng cứ, nếu phát hiện người kê khai không trung thực hoặc cán bộ dấu hiệu vi phạm trong quá trình công tác, cơ quan có thẩm quyền cần quyết liệt vào cuộc kiểm tra những đối tượng đó.

Việc kiểm tra, giám sát này phải được coi là việc hết sức bình thường", ông Xiểm nêu quan điểm.

Một số ý kiến lo ngại rằng, trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ, cơ quan có thẩm quyền có thể bị tác động, kiềm chế bởi những người có quyền lực khi thực hiện nhiệm vụ.

Về việc này, Luật sư Xiểm cho rằng, nếu cơ quan có thẩm quyền được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát nhưng không hoàn thành nhiệm vụ, thì phải có chế tài mạnh để xử lý cá nhân, tổ chức đó.

"Người được giao nhiệm vụ vì lý do nào đó không hoàn thành nhiệm vụ thì phải xử lý trách nhiệm rõ ràng, cụ thể. 

Bên cạnh đó, cũng cần có quy định rõ ràng hơn nữa về trách nhiệm của người trong diện kê khai tài sản nếu họ thực hiện không nghiêm quy định", Luật sư Xiểm nói.


Không nên "đóng dấu chất lượng" cho xong chuyện


Trước đó, báo cáo Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết đã có trên 1 triệu cán bộ, công chức hoàn thành việc kê khai tài sản, thu nhập nhưng qua xác minh 414 trường hợp chưa phát hiện người nào kê khai không trung thực.

Điều này được cho là trái ngược với nhận định của lãnh đạo Đảng, nhà nước rằng, tham nhũng vẫn còn nhiều phức tạp, nghiêm trọng, thậm chí nó còn là nguy cơ chính đe dọa sự tồn vong của chế độ.

Về việc này, Luật sư Xiểm thẳng thắn nhìn nhận, việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức, chưa phát huy nhiều tác dụng trong việc chống tham nhũng.

"Quan trọng nhất trong việc phòng, chống tham nhũng vẫn là người được giao thực hiện.

Có thể người được giao nhiệm vụ không làm đúng, đủ trách nhiệm. Thậm chí người trực tiếp làm nhiệm vụ có thể chịu sự tác động nào đó, chứ chưa nói đến chuyện tiêu cực hay không", Luật sư Xiểm nhận định. 




 
Bà Hồ Thị Kim Thoa có khối tài sản hàng trăm tỷ đồng (ảnh đăng trên Báo điện tử vietnamplus.vn).


Nguyên cán bộ Ủy ban kiểm tra Trung ương cho rằng, trong vấn đề kiểm tra, giám sát tài sản cán bộ, người thực hiện nhiệm vụ phải có phẩm chất, trách nhiệm cao kể cả năng lực, trình độ.

"Nhiều khi người được giao nhiệm vụ nhưng năng lực yếu cũng không xác định được vấn đề cần kiểm tra là gì?

Ví dụ khi thực hiện kiểm tra đối tượng có dấu hiệu vi phạm tài chính, tài sản thì anh phải có năng lực về lĩnh Bởi, người bị kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm sẽ có nhiều thủ đoạn để bao che cho hành vi của mình.

Nếu người được giao nhiệm vụ năng lực kém, không thể phát hiện vấn đề vi phạm thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ.

Cho nên, thực tế có rất nhiều cuộc kiểm tra nhưng không phát hiện được vi phạm, nhưng vẫn đóng dấu chất lượng

Do đó, đi liền với kê khai tài sản, người bị kiểm tra phải giải trình theo quy định của pháp luật và chịu sự chất vấn của chủ thể kiểm tra", ông Xiểm nhận định.

Từ những phân tích trên, Luật sư Phạm Xuân Xiểm cho rằng: "Người trực tiếp được phân công nhiệm vụ kiểm tra, giám sát tài sản cán bộ phải hết sức thận trọng, khách quan, không được suy đoán theo quan điểm cá nhân, hoặc đóng dấu chất lượng cho xong việc".


THỤY DU


Nguồn : Theo GDVN