10 avril 2018

‘Quay đầu là bờ’ hay ngã ba đường của thủ tướng CSVN?

Phạm Chí Dũng

Phi trường Tân Sơn Nhất.

Thủ Tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc có vẻ đang tính toán “quay đầu là bờ” khi ông bơi một đường vòng trong thời gian chín tháng để trở lại điểm xuất phát nhằm xoa dịu công luận: mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc lẫn phía Nam.






Chủ trì phiên họp chính phủ thường kỳ Tháng Ba, 2018, diễn ra hôm 2 Tháng Tư, ông Phúc bất ngờ phát ra một “chỉ đạo” có phần đảo chiều tuy vẫn đậm sắc màu nước đôi: “Tôn trọng ý kiến tư vấn độc lập, ý kiến của bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải và ý kiến của Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn. Việc mở rộng sẽ được tiến hành cả về phía Nam và phía Bắc, nếu cần thiết thì lấy đất sân golf để làm các công trình phục vụ cho phi trường.”
Trước đó chưa đầy một tuần lễ, trong một cuộc họp vào ngày 28 Tháng Ba với các ngành liên quan, ông Phúc đã khẳng định kết luận cuối cùng: “Chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam.”
Vào Tháng Sáu, 2017, trước cảnh nạn phi trường Tân Sơn Nhất kẹt cả dưới đất lẫn trên trời, dư luận xã hội nhốn nháo và phẫn nộ trước cảnh sân golf Tân Sơn Nhất bị Tập Đoàn Him Lam của “đại gia quân đội” Dương Công Minh chiếm dụng diện tích đến 157 hécta trong cả chục năm trời mà đã trở thành một nguyên nhân chính đẩy phi trường Tân Sơn Nhất vào thảm cảnh bế tắc giao thông, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải tổ chức họp và yêu cầu “mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc và phía Nam.”
“Chỉ đạo” hồi Tháng Sáu, 2017, cho thấy rất có thể ông Phúc muốn “đi hàng hai,” vừa không mất lòng Bộ Quốc Phòng và Quân Ủy Trung Ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích giao thông, vừa được tiếng “xử lý sân golf trong phi trường” trong lòng công luận.
“Chỉ đạo” trên đã được nhiều tờ báo nhà nước ca ngợi là “quyết định hợp lòng dân” và giúp cho ông Phúc ghi một điểm chính trị quan trọng trên đường tiến tới cương vị tổng bí thư so với các ứng cử viên nặng ký khác.
Tuy nhiên bẵng đi một thời gian và khi dư luận phản đối sân golf Tân Sơn Nhất đã dần lắng xuống, mọi việc lại trở về như cũ theo cách “đánh bùn sang ao.” Người ta không thấy một “chỉ đạo” mới nào của Thủ Tướng Phúc về giải tỏa sân golf Tân Sơn Nhất và lấy đất của sân golf này để phục vụ cho sân bay dân sự cùng tên, trong khi Bộ Giao Thông Vận Tải lại thuê công ty tư vấn ADP-I của Pháp, để kết quả mà công ty tư vấn này cùng Bộ Giao Thông Vận Tải “nhất trí cao” trong đề nghị với chính phủ vào Tháng Ba, 2018, là “chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam” mà không có nội dung nào về lấy lại đất sân golf cho phi trường.


0 đồng hay hơn $9 tỷ?


Ngay sau khi Thủ Tướng Phúc chấp nhận đề nghị trên và chỉ đạo “chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam” vào Tháng Ba, dư luận xã hội một lần nữa phẫn nộ và phản ứng quyết liệt.
Quyết định trên như thể vừa bất chấp vừa thách thức làn sóng phản ứng phẫn nộ của dư luận xã hội và giới chuyên gia phản biện, bất chấp hình ảnh chình ình của sân golf Tân Sơn Nhất là nguồn cơn chính yếu dẫn đến tương lai cùng đường của “con tin phi trường Tân Sơn Nhất.”
Bởi trước đó, rất nhiều chuyên gia và người dân đã kiến nghị kế hoạch hợp lý nhất và cũng dễ nhất là thay vì mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 hécta sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào. Cơ sở pháp lý chính yếu cho kế hoạch này là vào năm 2017, chính Chủ Nhiệm Ủy Ban Pháp Luật Quốc Hội Nguyễn Đức Kiên đã khẳng định rằng hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất là vô hiệu. Mà hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.
Còn nếu “chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam,” chính quyền sẽ phải “đụng tường” khi đối mặt với một khu vực dân cư khổng lồ và các nhà hàng, khách sạn, chung cư cao cấp… của nhiều đại gia, trong đó không thiếu đại gia quân đội thuộc các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổi xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Đất quanh khu vực phi trường Tân Sơn Nhất lại là “đất vàng” với giá trị cao ngất trời.
Vào năm 2017, một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn $9 tỷ. Nhưng trong thực tế, kinh phí bồi thường có thể còn cao hơn nhiều so với con số đó. Một dấu hỏi cực lớn là trong bối cảnh cạn kiệt và hàng năm phải trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ đô la, ngân sách sẽ tìm đâu ra số tiền đó để bồi thường? Hay sẽ giống như quá nhiều tiền lệ “bồi thường thấp, bán giá cao” trước đây mà đã đẩy hàng chục vạn người dân đô thị biến thành dân oan đất đai, chính sách “bồi thường cho có” ở phía Nam phi trường Tân Sơn Nhất trong thời gian tới sẽ biến khu vực này thành một điểm nóng khiếu tố đất đai khổng lồ, trong đó “dân oan” bao gồm cả nhiều gia đình sĩ quan quân đội đang có cơ sở kinh tế ở khu vực này?
 

Con tin?
 
Cũng như cảnh “tang gia bối rối” khi phải xử lý vấn nạn đã trở thành quốc nạn BOT, Thủ Tướng Phúc đang đứng giữa ngã ba đường đối với sân golf Tân Sơn Nhất: không thể giải tỏa phía Bắc vì sẽ đụng nhóm lợi ích giao thông và quân đội – những nhân vật có thể ảnh hưởng lớn đến lá phiếu “tín nhiệm tổng bí thư” của ông Phúc, nhưng cũng không thể giải tỏa phía Nam vì kẹt kinh phí và cả nguy cơ “mất ổn định xã hội.” Còn cứ kéo dài tình hình như hiện nay thì phi trường Tân Sơn Nhất sẽ kẹt cứng đến mức khủng hoảng, dẫn đến đánh giá “điều hành yếu kém của chính phủ” trong nội bộ đảng và cũng sẽ đe dọa ngôi vị thủ tướng của ông Phúc.
Có lẽ không quá để nói rằng nếu không cẩn thận, thủ tướng CSVN còn có thể bị biến thành con tin của các nhóm lợi ích, nhóm tài phiệt và nhóm mafia chính trị.
Ngôi vị thủ tướng của ông Phúc còn luôn bị đe dọa bởi những đối thủ chính trị đã lộ diện và còn chưa lộ diện trong chính trường Việt Nam, đặc biệt trong “tầm ngắm” của chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, để bất cứ một sơ sẩy đủ trầm trọng nào của ông Phúc cũng sẽ khiến tương lai thay thế Nguyễn Phú Trọng của ông coi như “cháy.”
Từ giữa năm 2017 đến nay, đã có những dấu hiệu và biểu hiện về một chiến dịch chỉ trích Thủ Tướng Phúc không chỉ trên mạng xã hội mà có thể cả trên mặt báo nhà nước, liên quan vụ “sân golf trong phi trường.”
Ngay cả “chỉ đạo” mới nhất của Thủ Tướng Phúc về “mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc và phía Nam” cũng không còn nhận được lời tung hô của báo nhà nước và sự hoan hỉ một bộ phận dư luận, dù là nhỏ. Tất cả đang nhìn vào ông Phúc với sự nghi ngờ cao độ và tâm thế đầy cảnh giác đối với những quyết định bao giờ cũng là “cuối cùng” nhưng thật khó lường về xác suất đổi màu của ông.
Hy vọng và cũng là lối thoát hầu như duy nhất của ông Phúc và nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất là làm mọi cách để phi trường Long Thành được hoàn thành sớm nhất, đi vào hoạt động và thay thế phi trường Tân Sơn Nhất.
Thế nhưng ngay cả dự án phi trường Long Thành cũng không tránh khỏi nạn kẹt tiền khi không còn nguồn vốn ODA ưu đãi. Còn nếu chính phủ của ông Phúc nhận đầu tư của Trung Quốc theo cái cách mà đại gia Vũ Văn Tiền, tức Tiền “Còi,” CEO công ty Cổ Phần Xuất Nhập Khẩu Tổng Hợp Hà Nội (Geleximco) đưa đẩy chào mời thì lại quá nguy hiểm cho an ninh quốc gia. 


Phạm Chí Dũng

Nguồn: Người Việt /
VNTB